Trong bối cảnh thị trường điện toán đám mây Việt Nam đang nằm trong tay các gã khồng lồ nước ngoài, việc cần thiết là phải có một doanh nghiệp Việt lớn, đủ năng lực để giành lại tài nguyên dữ liệu quý giá của quốc gia.
80% dữ liệu ‘trên mây’ của người Việt đang ở nước ngoài
Làm việc trong lĩnh vực truyền thông, chị Thu Hà đã quen với việc đưa tài liệu lên Google drive – Dịch vụ lưu trữ đám mây (Cloud) của Google để có thể làm việc ở bất kỳ nơi đâu. Khi Google thông báo hết 15GB dung lượng lưu trữ miễn phí, chị Hà vẫn sẵn sàng trả 450.000 đồng/năm để mở rộng dung lượng lưu trữ lên 100GB.
Chỉ với tài khoản email, Google hiện tại đang nắm được toàn bộ các mối quan hệ của chị Hà, hình ảnh và các thông tin cá nhân, thậm chí cả lộ trình di chuyển và những cuộc hẹn…
Anh Trần Quốc Hùng – Giám đốc một doanh nghiệp thì cho biết, sử dụng “đám mây” giờ gần giống như mạng di động. “Với khối lượng dữ liệu quá lớn, việc sử dụng cloud thay vì lưu trữ vật lý là tất yếu. Tuy nhiên, khi dữ liệu nằm hoàn toàn ở nước ngoài cũng ghê ghê” – anh Hùng nhấn mạnh.
Thực tế, Nghị định 53 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/10/2022 đã quy định: Các loại dữ liệu Internet phải được lưu trữ tại Việt Nam. Như thế, nếu các cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức để dữ liệu ở hoàn toàn ở cloud nước ngoài cũng có điểm không đồng nhất với việc thực hiện Luật An ninh mạng.
Trong khi đó, một thực tế không mấy tích cực được chỉ ra vào tháng 6/2022 tại Hội nghị Data Center and Cloud Infrastructure Summit 2022: Thị trường điện toán đám mây Việt Nam hiện đang nằm trong tay các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài như Amazon Web Service, Google, Microsoft… Trong 3 năm nay, thị trường vẫn duy trì con số 27 trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư. Doanh nghiệp nội chỉ chiếm 20% thị phần với doanh thu khoảng 900 tỷ đồng.
Trong 10 năm qua, lưu lượng dữ liệu tại Việt Nam đã tăng gấp 7 lần, lưu lượng kết nối trong nước tăng 40 lần về băng thông, lưu lượng kết nối quốc tế tăng 25 lần. Số lượng thuê bao Internet hiện chiếm tới 75% tổng số hộ gia đình Việt Nam.
Các chuyên gia đánh giá, nếu xu hướng Cloud tiếp tục phát triển cho đến khi “toàn dân dùng cloud” thì riêng thị trường lưu trữ đám mây có thể lên đến 10.800 tỷ đồng. Đến năm 2025, nếu toàn bộ doanh nghiệp Việt chuyển sang dùng dịch vụ đám mây, thì thị trường sẽ đạt hơn 53.200 tỷ đồng (khoảng 2,3 tỷ USD).
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nhu cầu của khách hàng đối với điện toán đám mây không dừng lại ở dịch vụ sao lưu dữ liệu mà đòi hỏi phải là một hạ tầng tích hợp được nhiều dịch vụ cùng lúc. Như thế, dữ liệu mới lại tiếp tục được sinh ra trên không gian cloud.
Ở thời đại ngày nay, dữ liệu chính là tài nguyên quan trọng bậc nhất của một quốc gia. Trong không gian vật lý, đất đai là tài nguyên hữu hạn. Trong không gian điện toán đám mây, dữ liệu cũng chính là đất đai để các cá nhân, tổ chức tiếp tục “cày xới”, sinh ra của cải mới trên đó, nhưng nó là vô tận và tạo nên sức mạnh của tổ chức, của quốc gia.
Trước tình hình này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng chiến lược hạ tầng đến năm 2025 và định hướng đến 2030, mục tiêu đặt ra là 70% thị phần dịch vụ về điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ thuộc về các nhà cung cấp dịch vụ trong nước.
Với triển vọng thị trường và chiến lược từ Chính phủ, các sản phẩm điện toán đám mây Make in Vietnam được tạo động lực để thúc đẩy sự ra đời, phát triển. Mặc dù vậy, vẫn luôn cần thiết có một doanh nghiệp Việt Nam đủ lớn, đủ năng lực tài chính cũng như trình độ chuyên môn để cạnh tranh với những gã khổng lồ đến từ nước ngoài trong việc cung cấp dịch vụ Cloud cho người Việt Nam.
Sự ra đời của hệ sinh thái Cloud lớn nhất Việt Nam
Vào ngày 13/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên đã nhắc lại cam kết của Viettel về việc đầu tư Cloud lớn tại Tp.HCM, trong đó chính quyền đã sẵn sàng về đất đai và điều kiện hạ tầng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam trở về dùng hạ tầng điện toán đám mây Việt Nam, mang 80% dữ liệu của cá nhân, doanh nghiệp Việt đang ở nước ngoài về Việt Nam. Bộ cũng khuyến nghị các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam thay vì tự đầu tư, tự vận hành các hệ thống công nghệ thông tin thì chuyển sang sử dụng dịch vụ Cloud với chi phí thấp hơn, tối ưu hơn, an toàn hơn và linh hoạt hơn.
Ngày 14/10/2022, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud. Với sự chuẩn bị từ năm 2018, ngay khi ra mắt, đây đã là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam, đảm bảo toàn trình các cấu phần của một hệ sinh thái Cloud với trung tâm dữ liệu (data center), các nền tảng công nghệ, các phần mềm dịch vụ trên cloud cho đến các công nghệ bảo mật, dịch vụ quản trị, vận hành. Và hệ sinh thái này do người Việt Nam làm chủ công nghiệp.
Theo giới thiệu, Viettel Cloud sở hữu hạ tầng trung tâm dữ liệu nhất Việt Nam với 13 trung tâm dữ liệu, quy mô hơn 9.000 rack trên 60.000 m2 mặt sàn. Tới năm 2025, Viettel Cloud sẽ được đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Theo lộ trình, tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỷ đồng với quy mô 34.000 rack.
Toàn bộ hạ tầng trung tâm dữ liệu tuân thủ, đạt các tiêu chuẩn quốc tế ANSI/TIA-942-B:2017 Rated-3 Constructed Facilities – tiêu chuẩn dùng để đánh giá tất cả các khía cạnh của trung tâm dữ liệu vật lý bao gồm vị trí, kiến trúc, an ninh, an toàn chống cháy, điện, cơ khí và viễn thông.
Hệ sinh thái sản phẩm Viettel Cloud có tổng hơn 70 sản phẩm dịch vụ trải rộng từ các dịch vụ ở mức hạ tầng vật lý như cho thuê chỗ đặt, cho tới các nền tảng dịch vụ như các AI platform (nền tảng trí tuệ nhân tạo) và IoT platform (nền tảng Internet vạn vật).
Hệ sản phẩm này gồm 5 nhóm: Cloud Infrastructure – Hạ tầng điện toán đám mây, Cloud Platform – nền tảng đám mây, Cloud Software – Ứng dụng đám mây, Managed Services – Tư vấn, triển khai & vận hành, Colocation – Trung tâm dữ liệu.
Được biết, khi xây dựng hệ sinh thái Viettel Cloud, Tập đoàn Viettel nhắm tới mục tiêu mỗi người dân Việt Nam, mỗi hộ gia đình Việt Nam, mỗi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một kho lưu trữ dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây được đặt tại Việt Nam, do kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, triển khai, quản lý vận hành và đảm bảo an toàn thông tin.